“Tiêm phòng” có thể trở thành một lựa chọn để quản lý dịch bệnh đốm trắng trong ao nuôi, được sử dụng đơn lẻ hoặc song song với các phương pháp khác.
Tiêm phòng cho tôm
Bệnh đốm trắng là một trong những bệnh có sức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi tôm. Bệnh khởi phát nhanh chóng và tỷ lệ tử vong có thể đạt 100% trong vòng 3-10 ngày kể từ khi nhiễm bệnh. Nhiều phương pháp được sử dụng để quản lý bệnh, nhưng thật không may không có cách tiếp cận đơn lẻ nào đủ tốt để được coi là tiêu chuẩn vàng trong phòng ngừa và kiểm soát bệnh đốm trắng.
Cho đến nay, thuật ngữ “tiêm phòng” đã được chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong các tài liệu về khả năng miễn dịch của tôm. “Tiêm phòng” ở quy mô phòng thí nghiệm đã được báo cáo ở hầu hết các loài tôm đang được nuôi. Nếu đạt hiệu quả trên ao nuôi thì “tiêm phòng” có thể trở thành một trong những lựa chọn khả thi để quản lý dịch bệnh đốm trắng trong ao nuôi và có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc song song với các phương pháp khác để kích thích miễn dịch cho tôm. Do đó nghiên cứu này đánh giá hiệu quả của việc “tiêm phòng” vaccine bất hoạt formalin (FIV) bằng cách sử dụng kết hợp giữa phương pháp ngâm và phân phối qua đường miệng để bảo vệ tôm khỏi bệnh đốm trắng và dẫn đến sự tăng trưởng và khả năng sống sót tốt hơn cho tôm được “tiêm phòng” trong các ao nuôi thương phẩm không an toàn sinh học.
Tôm sú (PL15) được sàn lọc (PCR) và chia thành 2 nhóm: nhóm nghiệm thức “tiêm phòng” (VAC) được ngâm vaccine FIV trong 2 giờ và nhóm đối chứng (CON). Hai mươi nghìn (20.000) con tôm sú đã “tiêm phòng” được thả trong 2 ao sục khí, mỗi ao khoảng 10.000 con với mật độ 15 con/m2. Và 20.000 tôm sú (PL15) chưa được tiêm phòng cũng được thả vào 2 ao khác với mật độ tương tự.
Việc “tiêm phòng” được định kỳ sau 15 ngày thông qua thức ăn. Vắc xin được chuẩn bị trước và kết hợp trong khẩu phần ăn hàng ngày với liều lượng 200 μg/tôm. Tổng cộng có 7 lần “tiêm phòng” định kỳ trong suốt thời gian thử nghiệm trên ao nuôi.
Quy trình chuẩn bị vaccine WSSV bất hoạt bằng formalin. Virus được tinh sạch bằng cách ly tâm và bị bất hoạt bằng cách ủ qua đêm trong dung dịch đệm 0,5% formalin.
Kết quả thí nghiệm trên ao thương phẩm cho thấy tăng trưởng cao hơn ở nhóm được tiêm phòng (12,93 ± 1,26 g) so với nhóm không được tiêm phòng (8,54 ± 0,78 g). Tỷ lệ sống khi thu hoạch (115 ngày) ở nhóm được tiêm phòng cũng cao hơn (71,2 ± 3,13%) so với nhóm chưa được tiêm phòng (52,7 ± 5,05%). Theo tính toán từ tỷ lệ sống khi thu hoạch và sinh khối thu hoạch trên mỗi ao, sản lượng là 1311 ± 70,4 kg/ha đối với nhóm đã tiêm phòng và 641 ± 3,0 kg/ha đối với nhóm chưa tiêm phòng.
Thử nghiệm này đã chứng minh rằng việc “tiêm phòng” vaccine FIV đã làm tăng đáng kể tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm trong các ao nuôi thương phẩm với sự hiện diện của mầm bệnh. Nghiên cứu cũng cho thấy sự kết hợp giữa ngâm và cho ăn vaccine là khả thi trong ao nuôi tôm thương phẩm.
Sự sống sót khi thu hoạch có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố không lường trước được. Nhưng ở bất kỳ tác động nào, bất kỳ mức độ nào gây ra đối với tôm, đều ảnh hưởng như nhau ở tất cả các ao và nhóm xử lý. Việc tăng cường sục khí trước đây đã được phát hiện là giảm tỷ lệ chết do bệnh đốm trắng và tăng sinh khối thu hoạch trong các ao thâm canh thương phẩm. Vì không thể tránh khỏi việc tôm phải chịu áp lực về môi trường, bao gồm sự hiện diện của mầm bệnh trong quá trình nuôi, “tiêm phòng” cũng có thể làm giảm căng thẳng do mầm bệnh gây ra và cho phép tôm đã tiêm phòng sống sót tốt hơn so với tôm chưa tiêm phòng trong điều kiện môi trường bất lợi. Thật vậy, sự tăng trưởng và tỷ lệ sống tốt hơn ở nhóm được tiêm phòng chứng tỏ tác dụng có lợi của việc “tiêm phòng” đối với tôm nuôi trong ao thương phẩm.
Việc sử dụng kết hợp vaccine FIV bằng cách ngâm ban đầu và định kỳ (15 ngày một lần) qua đường uống (qua thức ăn) đã góp phần đáng kể vào hiệu quả bảo vệ chống lại WSSV cũng như chống lại các mầm bệnh khác vì tôm có khả năng phục hồi và không xảy ra tử vong hàng loạt mặc dù có sự hiện diện của các mầm bệnh này.
Thí nghiệm sử dụng vaccine cho tôm trong bể
Tôm trong ao nghiệm thức (VAC) và đối chứng (CON) được thu vào ngày 75, 90 và 105 để thử nghiệm nhiễm mầm bệnh đốm trắng trong bể trong 15 ngày. Thí nghiệm này nhằm đánh giá tác dụng bảo vệ của vắc-xin và đại diện cho một môi trường được kiểm soát tốt hơn để đánh giá hiệu quả của việc “tiêm phòng” bằng vắc-xin FIV. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống sót ở nhóm được tiêm phòng cao hơn (50%, 41,7%, 38,4%) so với nhóm không được tiêm phòng (0%, 6,67% và 8,34%) tương ứng ngày 75, 90 và 105. Kết quả của thí nghiệm trong bể, cho thấy tỷ lệ sống cao hơn ở các nhóm đã “tiêm phòng” so với nhóm không được tiêm phòng đã cho thấy khả năng chống nhiễm bệnh đốm trắng của tôm nuôi trong ao được tiêm phòng tốt hơn, tương quan thuận với tỷ lệ sống cao của chúng trong ao thương phẩm.
Thử nghiệm trên ao đã chứng minh rằng việc “tiêm phòng” bằng vaccine bằng cách kết hợp giữa phương pháp ngâm (khi thả giống) và uống (thông qua khẩu phần thức ăn) là khả thi trong ao nuôi tôm thương phẩm. Nó cũng chứng minh tăng trưởng tốt hơn và tỷ lệ sống cao hơn ở tôm được “tiêm phòng” so với tôm chưa được tiêm phòng. Cuối cùng, có thể kết luận rằng “tiêm phòng” FIV có thể là một lựa chọn hợp lý để quản lý sức khỏe và ngăn ngừa nhiễm bệnh đốm trắng trong ao nuôi tôm thương phẩm.