Tính khả thi về tài chính khi kinh doanh mô hình Aquaponics


Mô hình Aquaponics có khả thi về mặt kinh tế?

Một dự án kinh doanh aquaponics với cá da trơn giá thấp là không khả thi, nếu trang trại chuyển sang các loài cá có giá trị hơn như cá chẽm thì cũng khoảng 5 năm mới có thể hoàn lại vốn.

Aquaponics bền vững nhưng tính kinh tế có khả thi?

Aquaponics là một hệ thống kết hợp nuôi trồng thủy sản và sản xuất cây trồng thủy canh khép kín, hệ thống sẽ đồng thời cung cấp cả cá và rau. Trong một mối quan hệ cộng sinh, chất thải do cá tạo ra trong bể có thể trở lại thành độc chất cho những con cá đó nếu không được làm sạch. Tuy nhiên với hệ thống này các chất thải trên sẽ được vi khuẩn sử dụng trực tiếp hoặc chuyển hóa thành những chất dinh dưỡng hữu ích cho cây trồng. Khi thực vật hấp thụ những chất dinh dưỡng này, nước trong bể cá sẽ được tái chế lại.

Aquaponics cho phép sự phát triển bền vững của các loại cây trồng, đồng thời giảm được nhu cầu phân bón cho cây và nước thải của cá ra ngoài môi trường. Tiền thân của hệ thống này chính là các hình thức nuôi tổng hợp như cá – lúa, cá – gia cầm ở một số nước châu Á. Hiện tại, aquaponics đã được nhân rộng ở nhiều quốc gia phát triển, với sự hỗ trợ lớn của các nghiên cứu khoa học. Gần đây, theo một cuộc khảo sát của các chuyên gia, các doanh nghiệp xây dựng hệ thống aquaponics nhỏ đều phải chịu lỗ từ mô hình này.


Aquaponics có thể được xem là một giải pháp bền vững cho một phần nhỏ nhu cầu rau xanh, cá sạch.

Vì sự khép kín mà aquaponics có thể được xem là một giải pháp bền vững cho một phần nhỏ nhu cầu cá và rau tại một số nước trên thế giới. Mặc dù Philippines có bờ biển rất dài và rộng lớn, tuy nhiên nước này lại phải nhập khẩu cá, và trong 15 năm qua nhu cầu rau quả nhập khẩu cũng ngày càng tăng. Việc nhập khẩu cá và rau quả đã góp phần vào sự thâm hụt thương mại cho đất nước này. Do có thể là do trong nội địa, cầu đã cao hơn cung. Có thể thấy, bên cạnh việc gia tăng sản lượng rau và cá, hệ thống này cũng có thể làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và thâm hụt thương mại do nhập khẩu thực phẩm.

Vậy bỏ ra chi phí lớn cho hệ thống này có thực sự mang lại lợi ích không?

Sau khi khảo sát thị trường, nhóm nghiên cứu kết luận rằng đa số người tiêu dùng được hỏi chỉ thích cá có trọng lượng khoảng 500gr, nhất là cá da trơn. Theo đánh giá, việc nuôi cá da trơn là rất phù hợp trong aquaponics, do chúng ít nhạy cảm hơn với chất lượng nước, và có thể thở trực tiếp bằng không khí, nếu lượng oxy hòa tan thấp do mất điện. Tuy nhiên, một khi hệ thống hoạt động ổn định, các chuyên gia gợi ý nên chuyển đổi sang nuôi cá chẽm cho hệ thống này.


Chi phí lớn cho hệ thống aquaponics có thể không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng.

Chi phí cố định cho hệ thống aquaponic (cơ sở hạ tầng) được tính toán khoảng 35%, bao gồm chi phí nhân công cho việc xây dựng và lắp đặt. Trong đó, các chi phí của các ống nước là cao nhất trong số tất cả các chi phí của cuộc khảo sát. Chi phí lao động chiếm khoảng hơn một nửa chi phí vận hành. Chi phí hoạt động cho cá chiếm khoảng 28-34% tổng chi phí, trong khi doanh thu từ cá đạt được khoảng 17-40%. Trong đó thuế và bảo hiểm không được tính, do không phải tất cả các cơ sở đều có tiền thuế và bảo hiểm cho nhân công. Kết luận thời gian hoàn vốn được tính là khoảng 3-7 năm. Điều này là rất khó đối với một hệ thống tích hợp.

Đúc kết của chuyên gia

Để thu được lợi nhuận thì hệ thống aquaponics phải cân nhắc vào loài cá chọn nuôi, kích thước cá, mật độ thả cá và thời gian sống của chúng. Ngoài ra chú ý đến việc cân bằng chất thải là một yếu tố rất quan trọng, chất thải của cá có thể sẽ không phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của các cây trồng, nhất là khi hàm lượng Na, Mg và Cl quá cao. Do đó, những loại cây cần ít chất dinh dưỡng sẽ phù hợp hơn với hệ thống aquabonics này. Tỷ lệ khối lượng cá trên diện tích rau lý tưởng được các chuyên gia khuyến cáo là 1,4/180. Và thành phần cá phải cũng phù hợp với kỹ năng quản lý và chi phí vận hành cho hệ thống.


Tăng quy mô có thể cải thiện hiệu quả kinh tế, nhưng cũng đồng thời tăng rủi ro.

Việc tăng quy mô có thể cải thiện hiệu quả kinh tế cho hệ thống. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có một thị trường lớn, gần thành phố với mức sống cao và chi phí vận chuyển thấp. Bên cạnh đó, có một quy trình xử lý chất thải tốt mới có thể đảm bảo việc vận hành hệ thống này. Để giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu, trồng cà chua cũng được các chuyên gia chứng minh là thích hợp nhất, do nước thải từ cá có thể ngăn chặn nấm và kích thích tăng trưởng bộ rễ của cây cà chua. Điều này sẽ giảm được nhiều chi phí đáng ra phải chi cho thuốc trừ sâu, cũng đảm bảo hơn về chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

Một dự án kinh doanh aquaponics với cá da trơn giá thấp là không khả thi, nếu trang trại chuyển sang các loài cá có giá trị hơn như cá chẽm thì cũng khoảng 5 năm mới có thể hoàn lại vốn. Do đó, nếu có một thị trường tốt với giá cả ổn định thì sẽ khả thi hơn và mặt tài chính cho hệ thống này, cộng thêm sự lựa chọn rau để trồng và loại cá nuôi hợp lý.

TLTK: Bosma, R. H., Lacambra, L., Landstra, Y., Perini, C., Poulie, J., Schwaner, M. J., & Yin, Y. (2017). The financial feasibility of producing fish and vegetables through aquaponics. Aquacultural Engineering, 78, 146–154. doi:10.1016/j.aquaeng.2017.07.002

Hà Tử (TSTB)