Tôm thẻ chân trắng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân, góp phần thay đổi diện mạo những vùng quê nông thôn ven biển Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, bà con nuôi tôm đang đối diện nhiều thách thức.
Kinh tế khó khăn khiến nhiều người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến lượng tôm tồn kho hiện còn rất lớn, các đối tác vì thế nên cũng hạn chế nhập khẩu. Ngoài ra, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam quá cao, nên khó cạnh tranh với các “đối thủ” chính như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Giá thành và giá tôm thương phẩm của họ thấp hơn của ta từ 10.000 – 30.000 đồng/kg.
Một trong những nguyên nhân khiến con tôm Việt Nam thất thế trước các đối thủ trên đó là tỉ lệ nuôi tôm thành công ở nước ta bình quân chỉ dưới 40%. Con số này thấp hơn nhiều so với một số nước đối thủ như Ecuador trên 90%, Ấn Độ hơn 60%, Thái Lan (55%), thậm chí, tỷ lệ nuôi của Thái Lan có thời điểm ở mức trên 80%. Ecuador và Ấn Độ có tỉ lệ nuôi thành công cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra tại sao tỷ lệ nuôi tôm thành công của chúng ta thấp?
Điểm yếu của ngành nuôi tôm Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún tự phát. Người dân nuôi tôm theo xu hướng tự phát, một số người khi thấy giá tôm tăng cũng nuôi theo mà không quan tâm vùng đất đó có thuộc quy hoạch nuôi tôm hoặc ít nhất là đủ điều kiện môi trường nuôi tôm hay không. Điều này dẫn đến hiện tượng lây nhiễm chéo bệnh trên tôm.
Cơ sở nuôi tôm ở Việt Nam thường nhỏ lẻ, không có quy mô. Hệ thống ao trong mô hình không được đầu tư đầy đủ, không đảm bảo quy chuẩn, không đảm bảo số lượng, thông số thiết kế không phù hợp. Hệ thống kinh cấp, thoát nước, chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, lây nhiễm chéo dịch bệnh trong quá trình nuôi.
Phương pháp nuôi tôm tại Việt Nam thường có quy mô nhỏ nhưng mật độ cao
Trong nuôi tôm yếu tố con giống quyết định trên 50% tỷ lệ thành công. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng tôm giống thấp, tôm giống kém chất lượng, tôm giống trôi nổi quá nhiều. Cả nước hiện có khoảng 2.500 cơ sở kinh doanh tôm giống, số lượng này quá nhiều nên cơ quan chức năng khó quản lý, do vậy những con tôm giống không đạt chất lượng vẫn lưu hành trên thị trường.
Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của nuôi tôm là nguồn nước
Việt Nam nuôi tôm tập trung nhiều lưu vực sông Hậu, sông Tiền, phổ biến ở các tỉnh từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… Tuy nhiên, những con sông này phụ thuộc vào thượng nguồn từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số vùng tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, xả nước thải vào Sông Cửu Long khiến chất lượng nước không tốt.
Môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm cao, do việc xả thải trong sinh hoạt, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nguồn nước bị nhiễm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ việc sản xuất nông nghiệp vùng ngọt và ảnh hưởng của việc xả thải từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ngày càng nhiều. Mật độ nuôi tôm cao, quá trình tự làm sạch của môi trường không diễn ra, tất cả chất thải trong nuôi tôm phải thải ra, dẫn đến ban đầu nuôi rất tốt, nhưng sau một thời gian các chất thải tích tụ dẫn đến tỷ lệ nuôi thành công không còn nhiều.
Lý do khác đến từ việc người dân nuôi tôm luôn có xu hướng thả mật độ cao, trong điều kiện môi trường không tương xứng, môi trường kém chất lượng, điều kiện thời tiết, khí hậu, mùa vụ không thuận lợi. Phương pháp nuôi tôm tại Việt Nam thường có quy mô nhỏ nhưng mật độ cao, với mỗi hộ nuôi tôm sở hữu diện tích từ 1-3 ha nhưng mật độ tôm lên đến 300 – ≥ 500 con/m2, thậm chí 1.000 con/m2, hệ thống cấp nước, thoát nước, thường dùng chung, rất dễ lây nhiễm bệnh. Ngược lại với Ecuador chỉ nuôi tôm với mật độ chỉ từ 10 – 15 con/m2.
Nuôi tôm mật độ cao mang đến rủi ro cực lớn, tình trạng lây nhiễm bệnh rất cao, tác động, ảnh hưởng đến giá thành khi kết thúc vụ nuôi. Các nước như Indonesia, Thái Lan, Ecuador có lợi thế về nguồn nước sạch, nên tỷ lệ thành công cao hơn. Tỷ lệ thành công thấp, giá thành nuôi cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cao.
Môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm cao do nguyên nhân khác nhau
Giải pháp nâng cao tỷ lệ thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bao gồm các yếu tố liên quan
Muốn nuôi tôm có tỉ lệ thành công cao, yếu tố con giống và cách nuôi là quan trọng nhất. Nhà nước và các ngành chuyên môn cần khuyến cáo, người dân cần đồng lòng, tuân thủ, thực hiện việc giảm mật độ nuôi. Khi giảm mật độ nuôi sẽ giảm rủi ro và áp lực lên môi trường sẽ giảm. Để giảm tỷ lệ tôm chết, một trong những giải pháp quan trọng là quy hoạch lại vùng nuôi tôm, đồng thời đẩy mạnh mô hình hợp tác xã, thay vì làm nhỏ lẻ thì gom lại thành vùng nuôi lớn.
Mặt khác, cần thiết kế trang trại nuôi đơn giản hơn, rút ngắn chuỗi cung ứng, áp dụng quy trình mật độ thả nuôi thấp, thực hiện tốt các chương trình quản lý rủi ro về dịch bệnh, sẽ tăng khả năng mở rộng sản xuất. Định hướng và áp dụng vào thực tiễn sản xuất các tiêu chuẩn BAP, ASC, GLOBAL GAP, GAP…Thay đổi quan điểm nuôi cũ, lạc hậu, không phù hợp. Cập nhật công nghệ mới, kỹ thuật mới, ứng dụng mô hình nuôi mới vào sản xuất, phù hợp tình hình thời tiết, khí hậu, mùa vụ…Điều chỉnh, thay đổi, một số yếu tố kỹ thuật nuôi, cơ sở hạ tầng như xây dựng thêm ao chứa nước ngọt, chủ động thả nuôi mật độ thưa, chủ động phòng bệnh từ khi cải tạo, xử lý ao nuôi, nguồn nước nuôi ban đầu.
Thay đổi quan điểm nuôi cũ, lạc hậu, không phù hợp
Chọn nguồn giống đảm bảo chất lượng thả nuôi, không nên thả nuôi tôm postlarvae trực tiếp xuống ao nuôi, nhất là postlarvae 8 – 10. Bà con nên ương tôm post 15 – 20 ngày, trước khi thả ra ao nuôi. Về dinh dưỡng cần chủ động nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi thông qua việc hạn chế sử dụng hoá chất, thuốc kháng sinh. Tăng cường bổ xung men tiêu hoá, men vi sinh có lợi cho đường ruột tôm, chất hỗ trợ gan, Beta glucan, Probiotic, Prebiotic…thông qua việc trộn kèm theo thức ăn.
Khi tỷ lệ thành công cao, giá thành nuôi sẽ giảm thấp, dẫn đến giá thành sản phẩm sẽ giảm theo. Khi đó, cơ hội thâm nhập các thị trường quốc tế sẽ nhiều, đa dạng, cũng như khả năng cạnh tranh tôm Việt Nam sẽ ưu thế và được khách hàng nước ngoài quan tâm nhiều hơn.