Bổ sung vitamin E và vitamin C trên tôm thẻ chân trắng

Vitamin E và vitamin C có tác động tương tác với lipid trong thức ăn tôm thẻ.

Một nghiên cứu mới đây của Hajar Ebadi và cộng sự 2020 đã cho thấy tác động tương tác của lipid trong khẩu phần ăn đến vitamin E và vitamin C khi bổ sung vào chế độ ăn để của tôm thẻ chân trắng.

Vai trò của vitamin E và vitamin C với tôm cá

Vitamin đóng vai trò quan trọng trong thành phần dinh dưỡng của động vật thủy sản. So sánh với các thành phần dưỡng chất chính trong thức ăn như protein, lipid và carbohydrate, vitamin chiếm một lượng rất nhỏ từ 1-2% trong thức ăn. Tuy nhiên, vitamin có vai trò quyết định trong quá trình trao đổi chất của cơ thể và chi phí có thể lên đến 15% trong khẩu phần ăn.

Nhiều kết quả nguyên cứu cho thấy, động vật thủy sản không có khả năng hay khả năng tổng hợp rất ít không đủ cho nhu cầu nên việc cung cấp vitamin vào thức ăn cho động vật thủy sản là rất cần thiết. Động vật thủy sản ăn thức ăn không được cung cấp đầy đủ vitamin sẽ sinh trưởng chậm, tỉ lệ sống thấp, khả năng chịu đựng với biến động môi trường kém và dễ bị bệnh. Một số dấu hiệu bệnh lý khi thiếu vitamin ở động vật thủy sản đã được ghi nhận như: xuất huyết, dị hình, nứt sọ ở cá, đen thân ở tôm…

Vai trò chủ yếu của vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh. Quá trình oxy hóa là một hiện tượng tự nhiên do sự trao đổi chất bình thường hàng ngày ở mọi loài sinh vật. Đây là một tác dụng phụ không thể tránh khỏi, do đó các sinh vật sử dụng chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể. Vitamin E là vitamin tan trong dầu, hoạt động như một chất chống oxy hóa trong cấu trúc tế bào – chủ yếu bảo vệ lớp màng giàu lipid của tế bào khỏi hư hại từ quá trình oxy hóa (sự thoái hóa). Ngược lại, selen và vitamin C có vai trò chủ yếu là chất chống oxy hóa bên ngoài, hoạt động trong dịch thể và khoảng trống giữa các tế bào.

Yuan Liu và cộng sự 2007 đã cho thấy, bổ sung vitamin E trong khẩu phần ăn có thể nâng cao sức đề kháng của tôm thẻ chân trắng đối với những thay đổi cấp tính của độ mặn. Các kết quả đã chứng minh rằng vitamin E có thể có một vai trò hữu ích tiềm năng như một chất chống oxy hóa hiệu quả bằng cách điều chỉnh cân bằng thẩm thấu và khả năng chống lại sự thay đổi độ mặn ở tôm thẻ.

Vitamin C cần thiết cho sự phát triển bình thường, khả năng miễn dịch và sinh sản ở cá có vây và động vật có vỏ. Cá và giáp xác không có khả năng tổng hợp Vitamin C do thiếu enzym L-gulono-lactone oxidase, mà thường hấp thu từ thức ăn. Các hội chứng thiếu vitamin C như tổn thương màu đen bên dưới bộ xương ngoài, vỏ mềm mãn tính, cơ màu trắng đục, lột xác không hoàn toàn và tỷ lệ tử vong tăng đã được báo cáo ở tôm cá.

Vì các dẫn xuất của axit ascorbic (một dạng Vitamin C) tương đối bền với nhiệt và tăng thời gian duy trì hoạt động của axit ascorbic nên việc sử dụng chúng bổ sung vào thức ăn cho tôm khá phổ biến. Ascorbyl 2 poly phosphate (ApP) là một nguồn cung cấp vitamin C trong thức ăn cho tôm và đã chứng minh được khả năng ngăn ngừa hội chứng thiếu axit ascorbic ở tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Trong nuôi tôm thẻ chân trắng việc bổ sung dẫn xuất của axit ascorbic này trong khẩu phần ăn dẫn đến cải thiện sự tăng trưởng và tỷ lệ sống (He and Lawrence 1993).

Tương tác của lipid trong khẩu phần ăn với vitamin E và vitamin C

Việc bổ sung vitamin cho động vật thủy sản hiệu quả là dùng vào đúng giai đoạn phát triển, đúng chế độ ăn và đúng mục đích. Nhu cầu vitamin cho động vật thủy sản đã được một số tác giả nghiên cứu và đề ra mức thích hợp cho một số loài động vật thủy sản. Tuy nhiên nhu cầu vitamin chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố: Kích cỡ và giai đoạn phát triển của đối tượng nuôi, các yếu tố môi trường nuôi, mối tương tác với các thành phần dinh dưỡng khác. Do đó, Hajar Ebadi và cộng sự 2020 đã đánh giá tác động tương tác của lipid trong khẩu phần với vitamin E và vitamin C đến hiệu suất tăng trưởng, sử dụng thức ăn, thành phần gần cơ và hoạt động của enzyme chống oxy hóa của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei).

Nghiên cứu được tiến hành trong thời gian 56 ngày. Tổng số 384 con tôm với trọng lượng ban đầu là 5,3 ± 1,1 g được thả trong 24 bể. Tám nghiệm thức thí nghiệm được thiết kế với 2 mức lipid khác nhau (70 và 140 g/kg  thức ăn), bổ sung Vitamin C (0,5 và 1,0 g/kg thức ăn) và Vitamin E (0,1 và 0,3 g/kg thức ăn).

Kết quả cho thấy hàm lượng Vitamin E và Vitamin C cao trong khẩu phần đã cải thiện tỷ lệ sống và các chỉ số tăng trưởng, khả năng tiêu hóa thức ăn và chống oxy hóa ở tôm. Hiệu suất tăng trưởng tốt nhất của tôm được quan sát ở 70 g/kg lipid với 1,0 g/kg của Vitamin C và 0,3 g/kg  của Vitamin E.

Hơn nữa, sự tương tác giữa lipid trong khẩu phần với Vitamin C và Vitamin E có ảnh hưởng đáng kể đến hàm lượng Vitamin C và Vitamin E của cơ và ảnh hưởng đáng kể đến sự tăng trưởng và hoạt động của enzym chống oxy hóa của tôm góp phần cải thiện các chỉ số tăng trưởng bằng cách giảm mức lipid trong khẩu phần ăn. Mức lipid trong chế độ ăn là 70 g/kg lipid tương tác với 1,0 g/kg Vitamin C và 0,3 g/kg của Vitamin E dẫn đến tăng trưởng tốt hơn và tăng tình trạng chống oxy hóa ở tôm thẻ chân trắng.

Lệ Thủy – TSTB