Để có thể phát triển và duy trì sức khỏe ổn đinh, tôm rất cần bổ sung các loại khoáng chất cần thiết. Chất này đóng vai trò quan trọng, vì vậy việc cung cấp đủ khoáng chất là rất cần thiết qua từng giai đoạn.
Những lợi ích mà khoáng chất mang lại cho con tôm
Khoáng là một nhóm các chất cần thiết và vật nuôi chỉ cần một lượng nhỏ, nhưng nếu thiếu chúng sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của vật nuôi.
Hiện nay, người ta đã xác định được 16 nguyên tố khoáng đa lượng(Cu, Fe, Mn, Zn, Sn…) và 6 nguyên tố khoáng vi lượng(Ca, Mg, P, Na, K, Cl). Do động vật thủy sản sống trong môi trường nước, có thể hấp thu khoáng qua mang hoặc da, nên rất khó xác định chính xác nhu cầu khoáng.
Khoáng chất là các phân tử vô cơ còn được gọi là các nguyên tố và có nguồn gốc từ trái đất. Khoáng chất vô cơ có thể được tích hợp vào mô sống (hữu cơ) nhưng cuối cùng trở về đất ở dạng vô cơ khi được động vật bài tiết, hoặc dưới dạng tro khi động vật bị chôn vùi hoặc bị đốt.
Trong nuôi tôm, khoáng có vai trò hết sức quan trọng vì nó tham gia trực tiếp vào các quá trình sinh tổng hợp diễn ra bên trong cơ thể vật nuôi. Tôm hấp thu chất khoáng, tạo vỏ mới, cân bằng áp suất thẩm thấu, điều hoà pH máu.
Quá trình lột và tạo vỏ diễn ra suôn sẻ giúp tôm tăng trưởng nhanh, đề kháng tốt, ít bệnh. Chất khoáng tham gia xúc tác các phản ứng sinh hoá, tôm thiếu khoáng làm phản ứng sinh hoá diễn ra chậm, ảnh hưởng các hoạt động khác như tiêu thụ, hấp thu, chuyển hoá thức ăn.
Khoáng vô cơ được chuyển đổi thành khoáng hữu cơ
Khoáng vô cơ
Khoáng vô cơ được chia thành 2 dạng là đa lượng và vi lượng:
– Đa lượng gồm các thành phần như Canxi (Ca), Phospho (P), Kali (K), Natri (N), Chloride (Cl), Magie (Mg), và Sunphate (S). Vai trò của khoáng đa lượng giúp cân bằng acid – bazo (điều hòa áp suất thẩm thấu), tham gia vào quá trình hình thành vỏ/cơ. Ngoài ra còn là thành phần quan trọng của tế bào, hỗ trợ hấp thu vitamin.
– Vi lượng gồm các thành phần như kẽm (Zn), Sắt (Fe), Đồng (Cu), Mangan (Mn), Cobalt (Co), iodine (I). Vai trò của khoáng vi lượng là hoạt hóa của enzyme, tham giá vào quá trình hình thành vỏ/cơ, kích thích hệ miễn dịch và là thành phần quan trọng hình thành Vitamin B12.
Khoáng hữu cơ
Khoáng hữu cơ hay còn gọi là Chelates là dạng khoáng vô cơ (thường bao gồm Fe, Cu, Zn, Mn) gắn với một acid amin hay một thành phần hữu cơ (protein) để chúng không phân ly trong đường tiêu hóa. Đây là một cách bảo vệ khoáng chất để được vật nuôi hấp thu nguyên vẹn tại thành ruột một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ligand (chất mang) là một thành phần quan trọng, có cấu trúc bền vững gắn kết các ion vô cơ một cách chặt chẽ trong quá trình tiêu hóa. Một số loại ligand sẽ có liên kết yếu để giải phóng các ion vô cơ ra khỏi cấu trúc của Chelates quay về hình thức vô cơ khi đã vào được trong hệ tiêu hóa của tôm.
Glycine là loại acid amin tốt nhất để làm ligand nhờ vào kích thước nhỏ, có thể dễ dàng được hấp thu và các ion vô cơ sẽ được hấp thu một cách nguyên vẹn trong đường ruột tôm như cách tôm hấp thu một acid amin.
Hiện nay, việc sử dụng khoáng hữu cơ đã trở thành một lựa chọn thay thế hữu hiệu cho việc sử dụng khoáng chất vô cơ (bổ sung trực tiếp các loại khoáng vô cơ bao gồm hợp chất oxides hoặc sulfate) trong thức ăn chăn nuôi.
- Việc sử dụng khoáng hữu cơ trong nuôi tôm giúp mang lại các thuận lợi như:
– Giúp tôm tiết kiệm năng lượng sinh học do có thể hấp thu trực tiếp mà không thông qua bất kỳ quá trình chuyển hóa nào
– Cung cấp những loại khoáng đa vi lượng phù hợp và cần thiết cho sự phát triển của tôm
– Là phương pháp nhanh nhất để hấp thu các khoáng vi lượng cần thiết
– Có thể đồng thời cung cấp amino acid cần thiết cho sự phát triển của tôm
– Chi phí tối ưu khi chỉ cần sử dụng với số lượng ít nhưng mang lại hiệu quả cao.
Các yếu tố gây thiếu khoáng trên tôm
– Nuôi tôm mật độ cao
– Độ mặn trong nước thấp
– Ao có nhiều hạt sét
– Tôm bị bệnh, stress,…
– Bổ sung khoáng không đúng giai đoạn
Hiện nay có hai cách bổ sung khoáng chất cho tôm phổ biến đó chính là sử dụng khoáng tạt hoặc bổ sung khoáng bằng cách cho ăn. Đa số bà con sẽ sử dụng đều cả hai cách trên nhưng theo từng giai đoạn thích hợp cho tôm dễ hấp thụ.
Tôm từ giai đoạn 30-60 ngày tuổi có thể tăng trưởng chậm khả năng cao là thiếu khoáng trong môi trường khiến tôm khó lột xác và tăng trưởng. Bà con nên kiểm tra thường xuyên hàm lượng khoáng Ca, Mg và bổ sung vào môi trường cũng như thức ăn giúp tôm phát triển.