Lợi ích của vi sinh có lợi trong nuôi trồng thủy sản

Ứng dụng vi sinh trong nuôi trồng thủy sản bao gồm cho ăn và xử lý nước đã được chứng minh mang lại hiệu quả thiết thực cho nghề nuôi và đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc giảm thiểu tác động môi trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều phàn nàn và nghi ngờ

Ứng dụng probiotic trong nuôi trồng thủy sản bao gồm cho ăn và xử lý nước đã được chứng minh mang lại hiệu quả thiết thực cho nghề nuôi và đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc giảm thiểu tác động môi trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều phàn nàn và nghi ngờ rằng liệu các sản phẩm sinh học có thực sự hữu ích vì trong nhiều trường hợp người nuôi vẫn thất bại mặc dù tuân thủ việc ứng dụng chúng trong ao nuôi của mình.

Bài viết của Thạc sĩ Elizabeth Mayer – Biomin Holding GmBH, Tiến sĩ Gonçalo A.Santos – Biomin Holding GmBH và Tiến sĩ Pedro Encanação – BiominSingapore Pte. Ltd bên dưới sẽ giúp người nuôi cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm sinh học ứng dụng vào ao nuôi tôm cá của mình.

Điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột của động vật thủy sản nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng chống lại các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài cũng như đảm bảo cho việc tối ưu hóa quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng qua đó đạt được tốc độ tăng trưởng tốt. Probiotic được bổ sung vào thức ăn cũng giúp mang lại sự cạnh tranh sinh học với các mầm bệnh, tạo ra những điều kiện bất lợi cho các chủng vi khuẩn gây bệnh và điều chỉnh đáp ứng miễm dịch đường ruột.

Ứng dụng vi sinh vật hữu ích cũng được sử dụng trong ao nuôi . Khi được đưa vào ao nuôi, vi sinh vật hữu ích hoạt động như tác nhân điều chỉnh sinh học (Bioremediation agents) bằng cách cải thiện chất lượng nước, điều kiện ao hồ và tối thiểu hóa sự thoái hóa của môi trường.

Lựa chọn các chủng vi sinh vật hữu ích đặc hiệu cùng với khả năng của chúng nhằm để tăng sinh nhanh chóng trong đường ruột cũng như trong môi trường nước đóng vai trò then chốt cho việc ứng dụng thành công probiotic trong nuôi trồng thủy sản. Bảng 01 cho thấy các chủng vi sinh vật khác nhau thường được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản

ỨNG DỤNG TRONG THỨC ĂN

Một hệ vi sinh vật đường ruột hoàn hảo đóng vai trò then chốt cho sự tăng trưởng và sức khỏe của cá, tôm. Hệ vi sinh vật này tác động lên sự dinh dưỡng của vật nuôi, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, đảm bảo chức năng và tính toàn vẹn của hệ tiêu hóa, cũng như góp phần phát triển hệ miễn dịch.

Những lợi ích vi sinh vật hữu ích mang lại bao gồm:

– Cạnh tranh loại trừ mầm bệnh : Bám và chiếm chỗ trên màng nhầy của đường ruột qua đó thiết lập cơ chế phòng ngừa mầm bệnh hữu hiệu bằng cách cạnh tranh chiếm chỗ ở (vị trí bám) và cạnh tranh dinh dưỡng.

– Thay đổi điều kiện môi trường trong đường ruột : Gia tăng sự sản xuất acid béo dễ bay hơi ( Volatile fatty acid – viết tắt là VFA, là loại acid có có chuỗi carbon ngắn, dễ hấp thụ và là nguồn nguyên liệu chính để tổng hợp glucose và lactose – người dịch ) và lactate dẫn đến làm giảm pH đường ruột, vì thế mà tạo ra môi trường bất lợi cho mầm bệnh.

– Sản sinh ra các hợp chất khống chế mầm bệnh : Các chủng vi sinh vật hữu ích có hoạt động kháng khuẩn chống lại mầm bệnh bằng cách sản xuất ra lactoferrin ( là một protein có khả năng kháng lại một số vi khuẩn gram âm, gram dương, virus và có khả năng thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật hữu ích – người dịch ), lysozyme ( một loại enzyme tiêu hủy thành tế bào vi khuẩn gây hại – người dịch ), bacteriocins ( là một protein được sản sinh bởi các vi khuẩn lactic , chúng có khả năng kháng khuẩn, một dạng kháng sinh tự nhiên – người dịch ) …

– Điều chỉnh đáp ứng miễn dịch đường ruột : Hệ thống miễn dịch không đặc hiệu của động vật thủy sản có thể được kích hoạt bởi các probiotics. Chất kích thích miễm dịch (Immunostimulant) khác nhau tùy thuộc vào cơ chế hoạt động của vi sinh vật và cách mà chúng được sử dụng.

ỨNG DỤNG TRONG XỬ LÝ NƯỚC AO NUÔI THỦY SẢN

Trong môi làm trường nuôi trồng thủy sản luôn tồn tại các mầm bệnh tiềm tàng và chúng phát triển hoàn toàn độc lập với vật chủ. Ngoài việc tương tác qua lại giữa hệ vi sinh vật với môi trường sống, môi trường nuôi thủy sản cũng có ảnh hưởng đến các vi sinh vật gây bệnh. Tần suất cho ăn và sinh khối hữu cơ cao trong các trang trại nuôi thâm canh cá, tôm sẽ tích lũy, quá trình phân hủy hữu cơ diễn ra sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các loại khí độc ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, cá.

Hàm lượng NH3 và NO2 tích lũy vượt quá giới hạn trong nước và đất là nguyên nhân của vấn đề nghiêm trọng là làm suy giảm chất lượng nước. Sự gia tăng hàm lượng các chất độc cũng thay đổi thành phần vi sinh vật trong môi trường đất và nước đáy ao, đặc biệt là sự gia tăng mật số và chủng vi sinh vật gây bệnh.

Chất lượng nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, do đó vấn đề đặt ra là quản lý và giám sát ao nuôi tốt hơn, cần có những giải pháp bền vững để giảm thiểu tác động của hoạt động nuôi trồng thủy sản đến môi trường. Chính vì thế việc ứng dụng vi sinh vật hữu ích và các sinh vật có khả năng điều chỉnh sinh học vào nuôi trồng thủy sản nhận được rất nhiều sự quan tâm. Kỹ thuật sinh học này được biết đến với tên gọi là “Bioremediation” (sự điều chỉnh sinh học). Ứng dụng vi sinh vật hữu ích vào môi trường nước không những cải thiện chất lượng nước, phát triển bền vững mà còn mang lại những khía cạnh tích cực khác như gia tăng năng suất, gia tăng tỷ lệ sống, giảm thiểu mầm bệnh trong môi trường nước và cải thiện tốt hơn hệ số thức ăn.

TẠI SAO VẪN CÒN NHỮNG NGHI NGỜ ĐỐI VỚI VIỆC ỨNG DỤNG PROBIOTIC?

Mặc dù đã có những bằng chứng thiết thực về tính tích cực của vi sinh vật hữu ích ứng dụng trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhưng vẫn còn đó nhiều nghi ngờ về hiệu quả của probiotic. Điều này xảy ra chủ yếu là do phương pháp quản lý chưa phù hợp và chất lượng của sản phẩm, chẳng hạn như lựa chọn sai phương pháp ứng dụng, hàm lượng vi sinh vật hữu ích dưới 108 CFU (colony – forming unit), tính ổn định kém của sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất và bảo quản.

Mật độ cao của vi sinh vật hữu ích còn sống và tính ổn định là yếu tố then chốt để đánh giá sự ổn định của một dòng vi sinh vật và chất lượng sản phẩm. Sự an toàn của dòng vi sinh vật cũng cần được đánh giá cẩn trọng . Quan trọng hơn cả là sự tồn tại và phát triển của các vi sinh vật hữu ích trong điều kiện nuôi trồng thủy sản, khả năng sống sót và tăng sinh trong đường ruột của cá, tôm.

Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm probiotic giả mạo không được sản xuất trong điều kiện nghiêm ngặt, các chủng vi khuẩn không được xác định nghiêm túc trong sản phẩm cũng sẽ dẫn đến những nghi ngờ về tác dụng của vi sinh vật hữu ích thực sự. Để sản xuất một sản phẩm probiotic trong điều kiện sản xuất qui ước, các chủng vi sinh vật hữu ích phải được lưu giữ riêng biệt trong những “ngân hàng chuyên biệt” ở điều kiện – 80 độ C. Quá trình lên men cần được thực hiện ở điều kiện vô trùng hoàn toàn.

Chính vì thế, người nuôi cần phải lựa chọn sản phẩm probiotic hết sức thận trọng để đưa vào ao nuôi và thức ăn nhằm đảm bảo đạt được những mục đích mà probiotic đã được chứng minh có khả năng mang lại và cải thiện thành tích nuôi trồng.

Nguồn: The Advocate

Dịch bởi: NTQ THUẬN – VPAS JSC